Cai trị Trịnh_Cương

Thời kì đầu

Đầu năm 1710, Trịnh Cương lại cho ban hành sáu giáo điều để khuyên răn bầy tôi và nhân dân, cho mọi người cùng biết. Khi cai trị, Trịnh Cương tỏ ra siêng năng cần mẫn, thường cùng quan Tham tướng Nguyễn Công Hãng bàn soạn công việc, từ đầu canh năm đến mặt trời lặn mới thôi[7]. Do vậy nhà nước Đàng Ngoài rất hùng mạnh. Đương thời ở Đàng Trong, chúa Nguyễn là Tộ quốc công Nguyễn Phúc Chu từng có ý chinh phạt Bắc Hà, bèn sai người ra Bắc do thám. Các thám tử Đàng Trong thấy được sự cai quản chặt chẽ của Trịnh Cương ở miền Bắc, về tâu với Tộ quốc công: "Trong triều cường thịnh, tướng văn, tướng vũ đều là người giỏi, binh lương đầy đủ, quân bộ, quân thủy đã nhiều lại tinh nhuệ v.v..". Tộ quốc công phải bỏ mộng thâu tóm Bắc Hà, hai bên Trịnh, Nguyễn tiếp tục chăm lo củng cố cho tới khi cuộc chiến cuối cùng nổ ra năm 1774.[8]

Năm 1711, chúa bàn bạc với các quan trong phủ liêu để định lại thể lệ quân cấp ruộng công: 6 năm cấp một lần; châm chước thời hạ cấp để thích hợp với thời tiết làm ruộng của dân; và quy định tùy theo số người trong xã mà chia khẩu phần. Từ quan viên đến người cô quả, phế tật cũng được định lượng mà cấp ruộng. Ruộng công, đất bãi không được phép mua bán[6].

Cũng năm 1711, Trịnh Cương nhân danh vua Lê Dụ Tông, tiến phong ông là Trịnh Vịnh là Lương Mục vương, cha là Trịnh Bính làm Tấn Quang vương, thờ ở cung miếu tổ tiên họ Trịnh[6][7]. Lại vì thể lệ trường thi trước kia, đầu bài được giới hạn sẵn, nên có tình trạng học vẹt rồi chép nguyên văn, do đó người đỗ do thực học bị hạn chế. Nhân khi đó có khoa thi, Chúa hạ lệnh cho quan chấm thi tùy ý ra đầu đề, không cần theo nếp cũ, nhờ đó tình hình mới được tạm cải thiện.

Mùa xuân năm 1712, chúa Trịnh ra lệnh cấm đạo Gia Tô, bắt những người theo đạo Gia Tô phải cạo trán và khắc vào mặt 4 chữ: "Học Hà Lan đạo",[9] và thưởng cho những ai bắt được giáo sĩ đi giảng đạo. Sau đó ông y theo lời bàn của Tham tụng Nguyễn Quý Đức, Nguyễn Thế Bá, lệnh cho các quan trấn thủ ở biên giới phải đến đóng tại trấn lỵ.

Đầu năm 1713, vì đã lâu không mưa, dân chúng gặp nạn đói to có người phải ăn vỏ cây, rễ, cỏ, chết đói đầy đường, khói bếp tiêu điều lạnh lẽo. Vì thế triều đình hạ lệnh cho quan hoặc dân nộp thóc, tùy theo số lượng ban cho chức tước, lại cân nhắc việc xá thuế cho dân ở tứ trấn và ở Phụng Thiên, Trường Yên[6]. Sau đó lại mưa luôn, nước lụt làm vỡ đê, mùa màng bị thiệt hại nhiều. Trịnh Cương sai các quan cai sổ dân đinh để chiếu bổ lấy tiền sửa đắp đê điều[7].

Mùa thu năm 1714, Trịnh Cương tự tiến phong làm Đại nguyên soái tổng quốc chính, Thượng sư, An vương. Bấy giờ ở các tỉnh phía bắc Đại Việt có nhiều mỏ vàng, mỏ bạc, nhưng quyền lợi từ các mỏ phần lớn rơi vào tay người Tàu. Do đó năm 1717, Trịnh Cương định lệ hạn cho người Tàu sang khai mỏ chỗ đông lắm chỉ được 100 người mà thôi. Thế mà về sau có nơi phu khách đông đến hàng vạn người thường sinh sự đánh nhau, quan quân dẹp mãi mới yên[7].

Tháng 4 ÂL năm 1718, Lê Dụ Tông và Trịnh Cương sai sứ sang Đại Thanh, báo cáo việc Hy Tông mất và xin phong tước. Khi các viên quan ấy trở về, Thanh Thánh Tổ chuẩn định: Cứ 6 năm hai lễ cống cùng dâng một lúc theo như thể lệ; nhân viên đi sứ, được cử 3 sứ thần và 20 hành nhân. Việc này định làm thể lệ lâu dài. Bấy giờ thượng hoàng mất đã 3 năm, Dụ Tông lên ngôi đã 14 năm mà mới sai sứ sang xin phong, thì đủ biết chính trị lúc bấy giờ ra sao.

Mùa thu cùng năm, Trịnh Cương đặt ra Lục phiên ở phủ Liêu cũng như lục bộ bên nhà vua. Từ đó việc gì cũng ở bên Lục phiên cả, Lục bộ không có quyền gì nữa[6][7]. Lúc ấy người dân nhiều phần uống rượu mà trễ nải công việc, nên chính quyền hạ lệnh bắt phải hạn chế lại: người nào tự ý tụ hợp uống rượu sẽ bị trị tội, ai tố cáo cũng sẽ có thưởng.

Thời kì giữa

Cuối năm 1719, chúa hạ lệnh cho cho các viên phủ, huyện và hai ty Thừa chính, Hiến sát đo đạc ruộng đất trong dân gian, chia bổ ngạch thuế, để tạo sự cân bằng giàu nghèo. Cuối năm đó, sứ Thanh là Đặng Đình TriếtThanh Vân đem sắc phong cho nhà vua, bắt phải theo lễ tam quỳ cửu khấu. Trịnh Cương không nghe xin theo lễ nghi nước Việt Nam là tam khấu ngũ vái, sứ Thanh cuối cùng phải nghe theo.

Tháng 5 ÂL năm 1720, Trịnh Cương tự gia phong là Đại nguyên soái, Tổng quốc chính, Thượng sư Thượng phụ, Uy nhân minh công thánh đức An vương, gia phong con là Trịnh Giang làm vương thế tử, bổ dụng Nguyễn Công Hãng, Lê Anh Tuấn cùng vào phủ giữ chức Tham tụng. Bấy giờ công việc trong triều đa phần đơn giản mà cẩu thả, Công Hãng bàn định nên thay đổi lại, chúa nghe theo[6]. Sách Việt sử Cương mục dẫn lại giai thoại như sau:

Khi mới tới canh năm, chúa đã triệu Công Hãng, Anh Tuấn vào phủ bàn việc, tự ông ngồi để đợi. Khi bọn Công Hãng vào, chúa nói:

"Vừa rồi ta cảnh giác trong giấc ngủ, từ đời xưa có bao giờ như thế không?"

Bọn Công Hãng tạ lỗi nói:

"Chúa thương lo nghĩ siêng năng mọi việc, tài trí chúng tôi kém cỏi tầm thường không có thể theo kịp được. Đến như việc giục giã răn bảo bầy tôi, cảnh giác trong lúc đêm khuya, thì việc này từ đời trước đến nay chưa bao giờ có".

Chúa bèn bảo hai người ngồi, cho uống nước trà, ung dung hỏi han mọi việc, ngày đã muộn hai người mới ra về.

Nguyễn Công Hãng cùng chưởng phủ Trịnh Quán xin Trịnh Cương khi tiếp kiến bầy tôi nên mặc áo sắc vàng, ông không theo vì đó là trang phục dành cho hoàng đế, do đó chỉ dùng áo tía để phân biệt mà thôi[6]. Bấy giờ tệ gian lận trong trường thi chưa dứt, nên hạ lệnh cho bầy tôi có văn học nghĩa soạn đầu bài thi ở trong phủ, rồi cho chạy trạm phân phát cho các trường. Còn hai trường thi Thanh, Nghệ vì địa thế xa, nên vẫn theo chế độ cũ.

Trước can phạm đã phải tội lưu, còn phải chịu thêm tội chặt tay nữa. Vào năm 1721, Trịnh Cương bỏ luật chặt tay và đổi lại: Tội phải chặt hai bàn tay và phải lưu viễn châu thì phải đổi làm tội đồ trung thân; phải chặt một bàn tay và phải lưu ngoại châu thì cải sang 12 năm tội đó; phải chặt hai ngón tay trỏ và phải lưu cận châu thì đổi làm tội đồ 6 năm. Những việc đạo thiết không kể vào các trường hợp ấy. Năm 1723, có một đợt cải cách thuế khóa được diễn ra: thuế thân từ 1-2 quan, người 17 - 19 tuổi và 50 - 60 được giảm một nửa; thuế ruộng mỗi mẫu công điền phải nộp đồng niên 8 tiền; thuế sưu dịch mỗi năm 2 lần, mỗi lần 6 tiền; ngoài ra ông còn đặt ra các thuế mới như thuế thổ sản, thuế muối, thuế tuần ti...[7]

Cuối năm 1721, chúa tuyển binh ở tứ trấn, 5 suất đi lấy 1 người, ở Thanh Nghệ 3 suất đinh lấy 1 người; bọn lính hai xứ Thanh Nghệ coi như là nanh vuốt cật ruột của nhà chúa, được nhiều ưu đãi, dần sinh bụng kiêu căng, không thể nào ngăn cấm được, về sau gây ra nhiều tai họa.

Năm 1722, thổ tù châu Chiêu Tấn nổi dậy cướp phá vùng Lai Châu. Chúa sai Nguyễn Công ChínhBùi Sĩ Tiêm đem quân tiến đánh, giữa đường Công Chính chết, quan quân phải lui về. Ít lâu sau nội bộ của Đèo Mỹ Ngọc xảy ra lục đục, triều đình lại cử Thành Lý đi đánh, Mỹ Ngọc cùng một số thuộc hạ bỏ chạy, vùng bắc được tạm yên[10].

Lúc đó quyền lực của nhiều vương thất họ Trịnh quá lớn, trong đó có Trịnh Quán là thế lực lớn nhất. Trịnh Cương có ý e sợ, nên vừa dỗ dành vừa dọa nạt, ép Trịnh Quán phải bãi bỏ binh quyền. Cũng năm đó, Trịnh Cương đặt ra sáu quân Trung Dực, Trung Oai, Trung Thắng, Trung Khuông, Trung Nhuệ và Trung Tiệp, mỗi doanh 800 người, bổ dụng các tướng Gia quận công Đặng Đình Lân và Thiêm quận công Trương Nhưng, cả thảy 6 người chia nhau thống lãnh. Sau đó ông bắt đầu cấp ruộng công cho lính tứ trấn thay vì chỉ cấp cho lính Thanh Nghệ như trước.

Năm 1723, Trịnh Cương chia đất nước thành 13 đạo thừa tuyên như thời Hồng Đức, chỉ có một số ít thay đổi[7][10]. Đầu năm 1724, vì Dụ Tông bị bệnh đau chân nên Trịnh Cương thay quyền làm lễ tế nam giao. Phụ thần xin Trịnh Cương vào tế ở chỗ nhà vua, nhưng ông không dám theo, chỉ đặt vị đứng tế ở sân điện Chiêu Sư, rồi Cương thắp hương lạy thay nhà vua mà thôi. Mùa hạ cùng năm, vì lý do kiện tụng mà thượng thư bộ Hình Trương Công Khải bị giáng làm Tả thị lang bộ Lại, Tả thị lang bộ Lại Hồ Phi Tích giáng chức Hữu thị lang bộ Lễ[10].

Thời kì cuối

Cuối năm 1724, Trịnh Cương ra lệnh cho nhân dân được phép ca tụng hoặc chê bai việc tốt việc xấu của quan viên giữ việc cai trị dân. Năm 1726, các quan Đại Thanh có ý nghi ngờ Đại Việt lấn sang đất Trung Quốc, triều đình gửi thư sang biện hộ. Các quan Hồ Phi TíchVũ Công Tế cùng quan phái ủy Mãn Thanh là Phan Doãn Mẫn đi đến nơi khám xét, cuối cùng lập mốc ở núi Xưởng Chi. Như vậy 120 dặm đất hai châu Vị Xuyên và Thủy Vĩ bị thổ ty phủ Khai Hóa chiếm, thì nay người Thanh trả 80 dặm, còn 40 dặm nơi có xưởng đồng vẫn phụ thuộc Mãn Thanh.

Khi đó việc thi cử phần nhiều nhũng lạm, con em nhà quyền thế thi đỗ rất nhiều, nên vào khoa 1726, chúa lệnh các sĩ tử phải thi lại, kết quả đánh hỏng 28 người, trong đó con trai tham tụng Lê Anh Tuấn, con trai Huân quận công Đặng Đình Gián, con nuôi Nội giám thiếu bảo Đỗ Bá Phẩm cùng cống sĩ ở các xứ. Chúa sai tra xét có điều gian dối gì không để trị tội[10].

Bấy giờ con trưởng của vua Dụ Tông là Duy Tường tuổi đã lớn, ở Đông cung hơn 10 năm, tuy chưa được phong nhưng ai cũng hiểu Duy Tường sẽ là người nối ngôi. Nhưng Trịnh Cương vì lẽ cô họ của mình là Trịnh Thị có con là Duy Phường, nên muốn bỏ người này lập người khác, bèn cùng tham tụng Nguyễn Công Hãng bàn luận về việc phong chức ban tước cho các hoàng thân một cách phân biệt hơn, bèn trao cho Duy Tường tước quận công, hàm chức tứ phẩm, và lập Duy Phường làm thái tử[10].

Cuối năm 1727, Trịnh Cương phong cho Trịnh Giang làm tiết chế, tước Uy quận công, mở phủ Điện quốc. Năm đó Trịnh Giang 17 tuổi, là người được chỉ định thừa kế ngôi chúa. Khi đó chúa tuổi đã cao, ham thích tuần du không kiêng kị gì nữa. Nhiều lần ông sai các hoạn quan sửa các chùa ở vùng núi Độc Tôn và Tây Thiên để phòng bị khi đi du ngoạn. Ông thường tuần du đến Cổ Bi, gần Như Kinh, quê mẹ của mình. Sau đó ông bị bọn thầy phong thủy to nhỏ, nên quyết định xây dựng phủ đệ mới ở đấy, gọi là phủ Kim Thành. Chúa đi tuần du không ngớt, vì thế cho xây dựng nhiều hành cung như thế, bóc lột sức dân thậm tệ, mầm mống diệt vong của họ Trịnh là từ đây.

Lúc bấy giờ mỏ đồng Tụ Long vẫn bị mất vào tay người Thanh. Triều đình Đại Việt nhiều lần xin lập lại giới mốc cho đúng. Năm 1728, Thanh Thế Tông sai Ngạc Nhĩ Thái, tổng đốc Vân Quý (Vân Nam-Quý Châu) đến khám xét, Ngạc Nhĩ Thái tâu rằng Đại Việt lấn đất Khai Hóa, vua Thanh nghe theo, buộc Đại Việt giao trả. Ngạc Nhĩ Thái sai người đưa thư đến địa đầu biên giới Tuyên Quang, nhưng thổ mục Hoàng Văn Lâu của Đại Việt không chịu tiếp thư. Ngạc Nhĩ Thái ngờ vực Đại Việt, liền gửi thư nói tỉnh Quảng Tây chia quân phòng bị biên giới. Ngạc Nhĩ Thái còn tâu lên Thanh Thế Tông xin huy động binh mã 3 tỉnh dọc theo biên giới, nhưng hoàng đế không nghe. Sau đó Thanh Thế Tông sai Tả đô ngự sử Hàng Dịch Lộc, Nội các học sĩ Nhậm Lan Chi sai sứ sang Đại Việt ban chỉ hiểu dụ. Hai quan Thanh chưa vào Đại Việt thì quốc thư Trịnh Cương gửi vua Thanh từ trước đến Bắc Kinh, trong quốc thư ghi: "lòng thành thờ nước lớn, sợ mệnh trời". Thanh Thế Tông vui mừng, mới thảo sắc văn khác giao cho phái bộ Dịch Lộc. Trong sắc thư này vua Thanh đồng ý trả lại 40 dặm đất có mỏ đồng. Lúc ấy, quân Thanh đóng giữ biên giới nghiêm ngặt, các quan Đại Việt nghi ngờ, nhưng Trịnh Cương cho rằng người Thanh chỉ uy hiếp vậy thôi, nên lệnh các quan vùng biên không hành động càn rỡ[11]. Tháng 6 âm lịch năm 1728, Dịch Lộc đến Đông Kinh, tuyên bố trả 40 dặm đất cho Đại Việt. Khi tiến hành nghi lễ nhận sắc thư của vua Thanh, Dịch Lộc buộc Lê Dụ Tông hành lễ tam quỳ cửu khấu, triều đình gượng mà làm theo. Sau lần này, Trịnh Cương sai Thị lang Bộ Binh Nguyễn Huy Nhuận, Tế tửu Nguyễn Công Thái đi lập giới mốc, Công Thái phát giác mưu gian lận của quan Mãn Thanh, mới lặn lội tìm ra được đúng sông Đỗ Chú mà lập giới mốc, từ đó việc tranh chấp ở biên cương mới dứt.

Tháng 4 năm 1729, Trịnh Cương ép hoàng đế Lê Dụ Tông nhường ngôi cho Lê Duy Phường. Dụ Tông lên làm Thượng hoàng ra ở điện Kiến Thọ[7][11]. Sau việc đó, nước sông lên to, đê Cự Linh bị vỡ[12], nước tràn vào Cổ Bi, nhà cửa bị nước cuốn đi và đổ nát. Chúa sai hoạn quan đốc suất quân và dân sửa chữa đường sá, để phòng bị lúc đi di ngoạn. Nông dân bị thủy tai, cực khổ trăm bề mà còn bị bức ép lao dịch, oán thán không ngớt.

Tháng 9 ÂL, Trịnh Cương sau khi về từ Phật Tích lại đi du ngoạn Như Kinh, giữa đường bệnh chết vào ngày 28 tháng 11 âm lịch (20 tháng 12 dương lịch), các quan bí mật đưa di hài về kinh mới phát tang. Trịnh Giang lên nối ngôi chúa, tôn Trịnh Cương làm Hy Tổ Nhân vương (禧祖仁王)[7][11] chúa Trịnh Cương được. an táng ở thôn Bùi Thượng xã Yên Giang huyện Yên. Định tỉnh Thanh Hóa,